A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những hoạt động phát triển kĩ năng tự phục vụ cho trẻ ở nhà, các bố mẹ có thể tham khảo

Các hoạt động đời sống thực tiễn

Nếu một ngày ba mẹ hỏi con: “Con thích món đồ chơi nào nhất?” nhưng con rụt rè không trả lời được, thì khi ấy, có thể trong con đang thầm nghĩ: “Món đồ chơi có ý nghĩa nhất với con, làm con hứng khởi và thích thú nhất không gì khác chính là… ba mẹ!”

Thế nên, dù có bận rộn ra sao, công việc có căng thẳng thế nào, thì khi về nhà ba mẹ hãy toàn tâm toàn ý ở bên con và cùng con khôn lớn, cùng con trưởng thành, ít nhất là 30’ mỗi ngày Ba Mẹ nhé! Hãy đồng hành bên con, hỗ trợ con để con hoàn tất công trình kiến tạo cuộc đời mình!

Dưới đây là tổng hợp một số gợi ý để ba mẹ hoạt động tại nhà cùng con:

️ Các hoạt động đời sống thực tiễn

- Phủi bụi - Cho con thấy cách lấy các vật từ trên kệ xuống một cách cẩn thận, phủi bụi và đặt chúng lại vị trí cũ, cũng cẩn thận giống như khi lấy xuống.

- Quét nhà - Hãy quan sát và ngăn không cho con dùng chổi hay cây lau nhà lên các đồ vật khác ngoài sàn nhà, ví dụ như bàn ghế.

- Lau nhà

- Phân loại rau củ quả và cho vào các túi khác nhau để lưu giữ sau khi mua về.

- Đổ nước từ ly này sang ly kia, hoặc từ bình sang ly.

- Đổ các hạt ngũ cốc từ hũ này sang hũ kia.

- Chuyển ngũ cốc qua lại giữa các tách chén với nhau

️ Hoạt động phân loại

Chuẩn bị một khay gồm khoảng 3, 4 tách nhỏ và 1 tách lớn và có thể sử dụng nhiều món đồ khác nhau trong tách lớn để phân loại:

- Các loại nút, hạt với nhiều màu sắc và kích cỡ

- Các loại hạt mầm khác nhau như đậu xanh, đậu phộng.

- Các kẹp nhựa nhiều màu.

- Khi xếp quần áo, hãy cho con tham gia và phụ xếp những món đồ nhỏ. Giúp con phân loại đồ đã xếp. Để cho con nhận diện từng món đồ thuộc về ai trong khi chia đồ.

- Cho con biết cách phân loại đồ khi giặt. Con có thể chia theo màu (trắng và có màu), theo chất liệu (thun cotton, lụa, len…) Con có thể giúp phơi khô quần áo bằng cách treo chúng lên.

Con cũng có thể phân loại quần áo theo kiểu dáng như áo dài, khăn tắm, khăn ăn, tất/vớ, quần dài, áo sơ mi và bao gối.

 

Các hoạt động về ngôn ngữ

- Thỉnh thoảng hãy đặt câu hỏi cho con. Các câu hỏi nên phù hợp với mức độ phát triển của con, ví dụ như: Con tên là gì? Mẹ con tên là gì? Màu tóc của con là gì? Bữa sáng hôm nay con đã ăn gì? Con gì có cái vòi dài? Con nhìn thấy gì trên bầu trời vào ban đêm?...

- Có thể duy trì hoạt động kể chuyện và đọc truyện thành thói quen. Bắt đầu với những câu chuyện ngắn, sau đó tăng dần độ dài khi con lớn hơn. Chuẩn bị một vài sách tranh và nói chuyện về từng tranh một. Cố gắng kể chuyện và đọc truyện cho con trước khi đi ngủ mỗi ngày, với những câu chuyện thực tế và đặt câu hỏi về những câu chuyện con đã được nghe.

- Hát và đọc thơ cùng với con để con học được nhiều từ mới và làm quen với âm nhạc.

- Giới thiệu các từ mới cho con và liên tục sử dụng các từ đó trong đời sống hàng ngày. Dùng ngôn ngữ chính xác với cách phát âm chuẩn và từ ngữ thích hợp. Không nói với con bằng giọng trẻ con và phải nói thành nguyên câu.

- Dẫn con qua các phòng khác nhau trong nhà và giúp con gọi tên tất cả đồ vật có trong từng phòng.

- Thường xuyên đi dạo với con và nói với con về mọi thứ thấy trên đường đi. Cha mẹ có thể giới thiệu các tên mới như là sỏi, gạch, làn gió nhẹ và những đám mây.

- Hỏi câu hỏi liên quan đến những chuyến đi dạo trong trò chơi hỏi đố.

️ Các hoạt động cảm quan

- Cho con bịt mắt và yêu cầu con xác định vị trí các bộ phận cơ thể của mình bằng cách đặt tay lên từng bộ phận, như là: mũi, mắt, tóc, má…

- Đặt một vài món đồ vật như sách, bút chì, đèn cầy, hộp diêm… trong một cái khay. Cho con bịt mắt và đưa cho con cầm thử mỗi lần một món để con nhận diện và gọi tên món đó.

- Đặt một vài món đồ vật có mùi khác nhau như: quả cam, quả chanh, lá ngò, lá bạc hà… trong một cái khay hoặc hộp. Cho con bịt mắt và đưa cho con cầm thử mỗi lần một món để con nhận diện và gọi tên món đó.

- Cho con bịt mắt và yêu cầu con mở miệng ra. Đưa vào miệng con một lần một món với mỗi món có một vị khác nhau như đường, muối, nước cốt chanh, nước ép trái cây và miếng khổ qua đắng để con nhận biết các vị.

- Thỉnh thoảng, khi đi dạo hãy cho con lắng nghe các âm thanh tạo nên từ các vật khác nhau và nhận biết các âm thanh đó.

- Ngồi yên lặng ở nhiều nơi khác nhau cả trong và ngoài nhà, như: sân thượng, ban công, sân vườn, nhắm mắt và xác định các âm thanh khác nhau mà mình nghe được, ví dụ như: tiếng gió thổi, tiếng máy bay bay ngang qua, tiếng chân bước, tiếng chó sủa, tiếng còi xe, tiếng động cơ…

- Cho con bịt mắt và tự tạo ra âm thanh bằng các dụng cụ có chất liệu khác nhau như giấy, gỗ, thép, nhựa và đá. Cha mẹ cũng có thể xé giấy, đổ nước từ ly này qua ly khác, huýt sáo hoặc cào lên một miếng vải… để cho con đoán biết các âm thanh đó.

- Cho con bịt mắt, còn cha mẹ thì đứng ở nhiều nơi khác nhau trong phòng và vỗ tay. Yêu cầu con chỉ ra hướng mà con nghe thấy tiếng vỗ tay.

️ Các hoạt động nhận diện màu sắc

- Nêu tên một màu sắc, ví dụ như xanh dương, và yêu cầu con nêu tên tất cả vật dụng trong gia đình có màu xanh dương. Tiếp tục với các màu sắc khác khi con vẫn còn hứng thú.

- Khi đang đi trên đường phố, yêu cầu con chỉ ra các xe hơi, xe tải, xe buýt có màu xanh, màu trắng và các yêu cầu liên quan đến màu sắc khác.

- Nêu tên một hình dạng và yêu cầu con nêu tên tất cả vật dụng trong gia đình có hình dạng đó. Ví dụ hình tròn, hình tam giác, hình vuông…

- Yêu cầu con nêu tên tất cả các vật có bề mặt thô ráp.

- Yêu cầu con nêu tên tất cả các vật có bề mặt mịn màng.

️ Các hoạt động trong nhà tắm

- Trong khi con đang tắm, cha mẹ có thể chơi với bong bóng xà phòng. Cho con thấy cách tạo ra bong bóng to, và bong bóng nhỏ. Cha mẹ cũng có thể thấy hình ảnh phản chiếu của mình lên bong bóng.

- Khi tắm cho con, hãy dội nước ở nhiều nhiệt độ khác nhau lên người con và hỏi con thấy nước rất nóng, nóng, lạnh, rất lạnh hay ấm.

- Trong khi con đang tắm, đưa ra các yêu cầu như: chà các ngón tay, chà cổ, chà đầu gối và chà ngực.

- Dần dần giới thiệu các từ mới cho con như ống quyển, cánh tay trên, trán và mắt cá chân.

️ Các hoạt động bên ngoài ngôi nhà

Tưới cây, ngắt bỏ lá khô. Giới thiệu các từ mới như cây, cây bụi, phân bón và cỏ dại.

Nguồn tham khảo: trích dẫn có chỉnh sửa từ sách "Take Montessori Home - Đưa Montessori về nhà", phát hành bởi Trung tâm Montessori Ấn Độ - IMC, dịch và lưu hành nội bộ bởi Trung tâm Montessori Việt Nam - VMC


Tác giả: Dương Thu Trang
Nguồn:Sưu tầm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 3
Hôm nay : 49
Hôm qua : 962
Tháng 04 : 14.599
Năm 2024 : 132.394